+Viêm cột sống dính khớp là một loại viêm khớp gây đau nhức phần lưng dưới. Về lâu dài, các đốt sống có thể dính lại và gây cứng khớp. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về tình trạng bệnh lý này, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị nhé!

Viêm cột sống dính khớp là gì?

Về lâu dài, tình trạng này có thể khiến các đốt sống dính lại với nhau và gây cứng khớp.

Viêm cột sống dính khớp là một tình trạng viêm khớp. Về lâu dài có thể khiến các đốt sống dính lại với nhau. Điều này khiến cho cột sống trở nên kém linh hoạt hơn và gây ra tình trạng biến dạng cột sống và hạn chế vận động. Trong trường hợp các xương sườn cũng bị ảnh hưởng, bạn có thể gặp phải triệu chứng khó hít thở sâu.

Bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới (2:1). Khoảng 80% bệnh nhân dưới 30 tuổi mắc phải bệnh này có các triệu chứng. Trong khi chỉ 5% người biểu hiện triệu chứng khi đã qua tuổi 45.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này

Tình trạng này không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng. Tuy nhiên có nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu có người bị bệnh viêm cột sống dính khớp thì tỷ lệ người mắc sẽ tăng lên. Ngoài ra, bệnh còn liên quan chặt chẽ đến gen HLA-B27 – gen quy định kháng nguyên bạch cầu người.

Cách phân loại tình trạng bệnh

Bệnh này được xếp trong nhóm các bệnh lý viêm khớp cột sống (Spondyloarthritis), còn gọi là bệnh cột sống huyết thanh dương tính. Viêm cột sống dính khớp được chia làm 2 thể:

  • Thể trục đơn thuần: với biểu hiện chủ yếu ở cột sống và các khớp trục.
  • Thể ngoại biên: do kèm theo các tổn thương khớp vùng ngoại biên.

Dấu hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp

Các triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 17 – 45. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi. Một số người bị đau dai dẳng, trong khi người khác lại trải qua các triệu chứng nhẹ nhàng hơn. Các dấu hiệu của tình trạng bệnh này bao gồm:

  • Đau lưng mạn tính kiểu viêm và cứng khớp: Đau lưng thường xuất hiện trong khoảng thời gian dài (thường từ 3 tháng trở lên), khởi phát trước 40 tuổi, đau tăng về đêm và gần sáng, đau giảm khi vận động, tập luyện và không cải thiện khi nghỉ ngơi.
  • Đau hông.
  • Đau cổ.
  • Khó thở, mệt mỏi.
  • Chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Phát ban.
  • Suy giảm thị lực.
Đau lưng và cứng khớp là triệu chứng phổ biến của tình trạng bệnh.

Biến chứng của tình trạng viêm cột sống

Nếu không sớm được chẩn đoán và điều trị, kiểm soát tốt, những thương tổn do viêm không chỉ ảnh hưởng đến các đốt sống mà còn liên lụy đến nhiều khớp ngoại vi và thậm chí có cả cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy nguy hiểm như:

Dính khớp và đốt sống

Cơ thể sẽ thúc đẩy quá trình hình thành xương mới khi tình trạng viêm trở nặng. Sự hiện diện của những đoạn xương này sẽ làm thu hẹp khoảng cách giữa các khớp hoặc đốt sống, cuối cùng làm cho chúng dính lại với nhau. Khi đó, cột sống sẽ cứng lại và mất đi độ linh hoạt vốn có, có thể khiến người bệnh luôn trong tư thế gập người hoặc dẫn đến tình trạng “cột sống cây tre”.

Ngoài ra, nếu tình trạng dính cứng xảy ra ở khớp xương sườn – đốt sống, dung tích và chức năng của phổi sẽ bị ảnh hưởng.

Viêm màng bồ đào

Đây là dạng tổn thương phối hợp thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp với một số biểu hiện như:

  • Đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mờ mắt

Nứt, gãy xương

Căn bệnh viêm hệ thống mạn tính này có thể khiến xương mỏng dần ngay từ giai đoạn đầu. Điều này làm tăng mức độ nghiêm trọng của tư thế khom lưng vì khi đó, các đốt sống suy yếu rất dễ bị nứt, gãy. 

Gãy xương sống có nguy cơ gây áp lực và tổn thương tủy sống cũng như các rễ thần kinh xung quanh, từ đó dẫn đến tàn phế hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda equina syndrome). Tình trạng này không chỉ gây ngứa và tê yếu ở chân hoặc bàn chân mà còn có thể gây rối loạn chức năng ruột và bàn chân nếu không được điều trị kịp thời

Hệ lụy tim mạch

Trong một số trường hợp, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến động mạch chủ, từ đó gây biến dạng van động mạch chủ ở tim, đồng thời làm suy giảm chức năng của cơ quan này. 

Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Ngoài những vấn đề trên, viêm cột sống dính khớp còn làm giảm chất lượng cuộc sống hàng của bệnh nhân bằng cách khiến họ: 

  • Thu hẹp các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, tự cô lập mình và dễ bị trầm cảm
  • Mất dần khả năng tự chăm sóc bản thân
  • Giảm năng suất làm việc hoặc thậm chí mất việc, từ đó gây nên gánh nặng kinh tế.

Các chẩn đoán phát hiện bệnh viêm cột sống dính khớp

Để chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp, bên cạnh việc thăm khám triệu chứng lâm sàng, các bác còn cần đến một số thủ thuật xét nghiệm như:

Chẩn đoán hình ảnh

Trong trường hợp này, chụp X-quang thường được chỉ định với mục đích tìm kiếm các dấu hiệu:

  • Viêm khớp cùng chậu (khe khớp cùng chậu rộng, đặc xương ở bờ khớp…)
  • Tổn thương cột sống (xơ hóa dây chằng xung quanh, canxi hóa đĩa đệm, tổn thương khớp xương sườn đốt sống…)
  • Thương tổn ở khớp háng (có dấu hiệu viêm ở cả hai bên, hẹp khe khớp, bào mòn đối xứng qua khe khớp…)

Ngoài ra, vì những thay đổi ở cột sống chỉ thể hiện trên ảnh chụp X-quang vào giai đoạn muộn nên nếu nghi ngờ bệnh đan ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp MRI để tìm kiếm tín hiệu viêm hoạt động ở cột sống hoặc khớp cùng chậu, từ đó có thể sớm chẩn đoán bệnh.

Xét nghiệm máu

Để xác định một người có bị viêm cột sống dính khớp hay không, đồng thời kiểm tra các bệnh kèm theo, bác sĩ còn có thể thu thập mẫu máu của người bệnh nhằm tiến hành một số xét nghiệm như:

  • Tìm kiếm kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27
  • Tổng phân tích tế bào máu (CBC)
  • Đo tốc độ máu lắng
  • Tìm kiếm protein phản ứng C (xét nghiệm CRP)
  • Kiểm tra chức năng gan (GOT, GPT)
  • Kiểm tra chức năng thận bằng cách định lượng creatinin

Phương pháp điều trị viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý mãn tính. Mặc dù không có cách chữa trị dứt điểm, nhưng các phương pháp điều trị dưới đây có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng, giảm tổn thương khớp và giảm đau:

  • Tập thể dục thường xuyên, đúng cách theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế.
  • Thuốc chống viêm không steroid ( NSAIDS) như Ibuprofen, Naproxen, Celecoxib và Meloxicam… giúp giảm tình trạng đau và viêm khớp. Tuy nhiên, cần lưu ý về tác dụng phụ gây loét dạ dày – tá tràng, biến chứng tim mạch của nhóm thuốc này.
  • Nếu NSAIDs không thể cải thiện triệu chứng trên bệnh nhân, bác sĩ có thể kê sang thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) hoặc thuốc ức chế interleukin-17 (IL-17). Những loại thuốc này sẽ được tiêm dưới da hoặc dùng qua đường truyền tĩnh mạch.
  • Corticosteroid tiêm tại chỗ: Giúp giảm các triệu chứng gây bùng phát viêm khớp và giảm tình trạng đau với tác dụng có thể kéo dài tới vài tháng.
  • Phẫu thuật thay khớp: Trong trường hợp khớp của bạn bị tổn thương nặng nề do viêm cột sống dính khớp, bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm phẫu thuật thay thế phần khớp bị ảnh hưởng bằng các bộ phận nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa.

Phương pháp phòng ngừa viêm cột sống dính khớp

  • Duy trì tập thể dục đều đặn: giúp giảm đau, cải thiện tính linh hoạt của cột sống và tư thế của bạn.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc nói chung có hại cho sức khỏe, nhưng nó còn gây ra các vấn đề khác cho những người bị viêm cột sống dính khớp, chẳng hạn như gia tăng tình trạng khó thở.
  • Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu có thể tăng nguy cơ loãng xương, làm tệ hơn tình trạng viêm cột sống dính khớp.
  • Duy trì mức cân nặng hợp lý: Do béo phì và thừa cân gây tăng áp lực lên các khớp và xương, làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo và đường do chúng có thể làm tăng tình trạng viêm.
  • Tập đứng thẳng trước gương: có thể giúp bạn hạn chế tình trạng gù lưng do viêm cột sống dính khớp.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân, dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm cột sống dính khớp. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, đừng quên chia sẻ đến những người thân yêu của bạn nhé!

HỆ THỐNG THUỐC BỔ KHỚP:
  • Nhà Thuốc Para Pharmacy 114D Địa chỉ: 114D Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM. Hotline: 0819006092
  • Nhà Thuốc Para Pharmacy 354 Địa chỉ: 354 Nguyễn Văn Công, Phường 3, Quận Gò Vấp, TPHCM. Hotline: 0828 002244
  • Nhà Thuốc Para Pharmacy 180 Địa chỉ: 180 Bắc Hải, Phường 6, Quận Tân Bình, TPHCM. Hotline: 0818002244
  • Nhà Thuốc Minh Châu 285 Địa chỉ: 285 Bạch Đằng, Phường 3, Quận Gò Vấp, TPHCM. Hotline: 08 1900 8095 - 08 9939 1368
  • Nhà Thuốc Minh Châu Số 2 Hà Đô Địa chỉ: Số 2 Chung Cư Hà Đô, Phường 3, Quận Gò Vấp, TPHCM. Hotline: 08 1900 8095 - 08 9939 1368
Fanpage: https://www.facebook.com/thuocbokhop Website: https://thuocbokhop.com